Tiểu sử Thanh_Việt

Thanh Việt sinh năm 1939 tại quận Hóc Môn, tỉnh Gia Định, miền Nam Việt Nam. Ông sinh trưởng trong gia đình gồm 9 anh chị em, được người cha kế (nghệ sĩ Tám Huê) đào luyện trong môi trường biểu diễn từ tấm bé. Tuy nhiên, trong khi các anh chị em đều thành danh trước và sự nghiệp đi lên nhanh chóng thì ông vẫn chỉ là một tài tử phụ trợ, xuất hiện trên sân khấu một chốc qua những vai không thoại. Dù vậy, ông đã được dự phần các đoàn lớn nhất đô thành Sài Gòn ở thập niên 1950 như đoàn Kim Thoa, Dạ Lý Hương, Thanh Minh Thanh Nga và Kim Cương.

Mãi tới đầu thập niên 1960, khi Hề Lùn Tùng Lâm mướn rạp Quốc Thanh để mở đại nhạc hội Cù Lét, có mời nghệ sĩ Thanh Việt sắm một số vai nhỏ, thì sự nghiệp ông mới được thăng hoa. Khán giả và báo giới bắt đầu nhắc đến Hề Râu Thanh Việt với lối diễn mộc mạc nhưng chỉ qua điệu bộ đã gây cười[1].

Diễn hài không phải trò đùa, phải tìm hiểu nghiên cứu tính cách nhân vật để tìm ra cách diễn hay nhất. Sáng tạo, ngẫu hứng không có nghĩa là cương ẩu, sử dụng ngôn ngữ tùy tiện. Không có gì buồn bằng mình diễn hài mà khán giả không cười, lại còn khó chịu.
— Nghệ sĩ Thanh Việt

Sự nghiệp nghệ sĩ Thanh Việt được coi là đỉnh thịnh là đầu thập niên 1970 cho tới tận sau chiến tranh biên giới Tây Nam, khi mà hình ảnh ông tràn ngập cả sân khấu và màn ảnh đại vĩ tuyến. Mặc dù là nhân vật xuất hiện rất trễ trong làng hề kịch Sài Gòn, nhưng ông được ưu ái xếp vào Thất hài đế, hầu như là gương mặt phải có trong mọi đại nhạc hội ở Sài Gòn.

Sau ngày Việt Nam thống nhất, ông vào biên chế các đoàn cải lương Sài Gòn 3, Cầu Ngang, Sông Hậu 1. Tuy nhiên, vì nghiện rượu kèm chứng xơ gan, ông chỉ kịp tham gia thêm vài băng video tấu hài rồi mất.

Liên quan